Viện phí sắp tăng cao

10:02:00 19/02/2016

Sau nhiều lần lùi kế hoạch, liên bộ Y tế - Tài chính vừa ban hành thông tư quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện (BV) cùng hạng trên cả nước, áp dụng từ  ngày 1-3 tới.

Viện phí  “cõng” thêm lương

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Y tế, cho biết việc điều chỉnh viện phí trong năm 2016 vẫn được chia làm 2 giai đoạn. Theo đó, từ ngày 1-3, viện phí sẽ tính thêm phụ cấp đặc thù ngoài các chi phí trực tiếp hiện nay là thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ trực tiếp sử dụng để thực hiện các dịch vụ.

Gần 1.900 dịch vụ y tế sẽ tăng giá từ ngày 1-3
Gần 1.900 dịch vụ y tế sẽ tăng giá từ ngày 1-3

“Viện phí mới này trước mắt sẽ áp dụng thanh toán đối với người bệnh có thẻ BHYT. Với người không có thẻ BHYT - chủ yếu là lao động tự do, nông dân, diêm dân và người cận nghèo (chiếm khoảng 25% dân số) - vẫn áp dụng mức giá như hiện nay. Đến ngày 1-7, giá các dịch vụ, kỹ thuật khám chữa bệnh sẽ tính thêm tiền lương của nhân viên y tế” - ông Liên nhấn mạnh.

Đại diện Bộ Y tế cho rằng nếu tăng ngay phí khám chữa bệnh với người chưa có thẻ BHYT sẽ gây gánh nặng lớn cho đối tượng này nên cần có độ lùi. Thay vào đó, trước thời điểm áp dụng viện phí mới, các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và tham gia BHYT.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ ban hành bảng giá dịch vụ khám chữa bệnh cho người bệnh không tham gia BHYT. Theo bảng giá này, ngoài các chi phí trực tiếp và tiền lương, dự kiến còn có chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định.

Nhiều dịch vụ tăng tiền triệu

Theo quy định mới, tiền khám bệnh được áp dụng từ thời điểm 1-3 tới không thay đổi so với khung giá “kịch trần” của Bộ Y tế đang được các BV áp dụng.

Cụ thể, tiền khám bệnh ở BV hạng I là 20.000 đồng/lượt, BV hạng II 15.000 đồng, BV hạng III 10.000 đồng và BV hạng IV 7.000 đồng. Từ ngày 1-7, khi “gánh” thêm lương nhân viên y tế, tiền khám bệnh sẽ tăng lên tương ứng với các hạng BV nêu trên là 39.000 - 35.000 - 31.000 và 29.000 đồng.

Đáng quan tâm nhất là cũng từ ngày 1-7, tiền giường điều trị sẽ tăng “sốc”. Đơn cử, tiền giường bệnh nội khoa BV loại 1 (truyền nhiễm, hô hấp, ung thư, nhi, tiêu hóa, tim mạch…) hiện nay là 80.000 đồng/ngày sẽ tăng lên 215.000 đồng; giường loại 2 (cơ xương khớp, da liễu, dị ứng, mắt, tai mũi họng...) từ 65.000 đồng lên 192.300 đồng; giường hồi sức tích cực, ghép tạng, ghép tủy từ 335.000 đồng lên 677.000 đồng.

Ngoài ra, gần 1.900 dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm cũng được điều chỉnh tăng giá từ ngày 1-7. Điển hình, giá nội soi dịch vụ có sinh thiết từ 410.000 đồng tăng lên 525.000 đồng vào thời điểm 1-3 và 621.000 đồng vào thời điểm 1-7. Giá nội soi ổ bụng cũng tăng lần lượt từ 575.000 đồng lên 684.000 đồng và 793.000 đồng; giá dịch vụ đỡ đẻ thường từ 525.000 đồng lên 567.000 đồng và 675.000 đồng. Nhiều dịch vụ tăng tiền triệu với mức giá gấp đôi hiện hành, như phá thai to (13-22 tuần tuổi) từ 430.000 đồng lên 877.000 đồng và 1 triệu đồng…

Tăng phí, chất lượng có tăng?

Đây là băn khoăn của nhiều người dân, nhất là trong tình hình hiện nay khi chất lượng khám chữa bệnh giữa các tuyến BV không đồng đều.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Nam Liên cho rằng một khi tiền lương được tính vào viện phí, tức là người bệnh trả lương cho cán bộ y tế, thì bất kỳ BV nào cũng phải nâng cao chất lượng, thái độ phục vụ, nếu không sẽ chẳng có ai tới. “BV nào có dịch vụ y tế không tốt, bệnh nhân không tin tưởng và không đến khám, không được cơ quan BHXH ký hợp đồng khám chữa bệnh thì BV đó có nguy cơ bị đóng cửa” - ông Liên cảnh báo.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai (Hà Nội), nhấn mạnh việc tính đúng, tính đủ chi phí buộc BV phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để tăng lòng tin của người bệnh. Người bệnh không tin tưởng, không đến BV khám đồng nghĩa với việc BV không có tiền để trang trải các chi phí.

“Nhiều người còn nói với tôi rằng khi giá dịch vụ y tế giữa các tuyến tương đương nhau, người bệnh sẽ dồn hết về BV tuyến trên nên BV trung ương không lo gì chuyện thiếu bệnh nhân. Tuy nhiên, với thực tế đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, nếu BV công không chú trọng cải thiện chất lượng, không thay đổi thái độ phục vụ thì bệnh nhân cũng sẽ bỏ sang BV tư, thậm chí ra nước ngoài điều trị” - ông Hiền băn khoăn.

Tác động không đáng kể

Đánh giá về lộ trình điều chỉnh viện phí, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cho rằng mục tiêu là để người bệnh được hưởng chất lượng dịch vụ y tế tốt nhất.

“Phần lớn chi phí đã được BHYT thanh toán nên sự tác động của việc điều chỉnh tăng viện phí tới đây đối với người dân là không đáng kể” - ông Khuê nhận định.

 

Bài và ảnh: Ngọc Dung 

(Nguồn: http://nld.com.vn/suc-khoe/vien-phi-sap-tang-cao-20160121224323671.htm)

 

Đánh giá:

 

                   

4.2/5 (6 bình chọn)

 

Đang xử lý...