THÔNG TIN THUỐC THÁNG 04: Sử dụng Opioids làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nặng

07:04:00 30/04/2019

BỆNH VIỆN PHỔI ĐỒNG THÁP

KHOA DƯỢC- VTTB

HỘI ĐỒNG THUỐC VÀ ĐIỀU TRỊ

BAN THÔNG TIN THUỐC

THÔNG TIN THUỐC THÁNG 04:

Sử dụng Opioids làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nặng

Ds Thân Thị Mỹ Linh (BV TỪ DŨ -lược dịch)
Khoa Dược

Theo một nghiên cứu công bố ngày 13 tháng 2 năm 2018 trên tạp chí Annals of Internal Medicine của Wiese và các đồng nghiệp, các thuốc opioid, đặc biệt là opioid tác dụng kéo dài hoặc liều cao, có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nặng bao gồm viêm phổi xâm lấn, viêm màng não và nhiễm trùng huyết.

Các nghiên cứu trên động vật cho thấy một số thuốc opioid có tác dụng ức chế miễn dịch. Thuốc ảnh hưởng đến quá trình sản xuất tế bào miễn dịch tiêu diệt vi khuẩn, giảm đáp ứng miễn dịch bẩm sinh, ức chế sự sản sinh ra các kháng thể và cytokine.

Các nghiên cứu trước đây trên người cho thấy các thuốc opioid làm tăng nguy cơ nhiễm trùng ở bệnh nhân nằm viện sau khi phẫu thuật, trong quá trình điều trị bỏng hoặc điều trị ung thư. Các nghiên cứu khác cho thấy nguy cơ gia tăng tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng ở một số bệnh nhân ngoại trú có nguy cơ cao.

Hiện nay, nghiên cứu mới này của Andrew Wiese và cộng sự, trung tâm Y khoa đại học Vanderbilt, Nashville, Tennessee đã củng cố bằng chứng cho thấy những tác dụng ức chế miễn dịch của opioids đối với con người.

Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng có sự liên quan mạnh mẽ giữa việc sử dụng opioid và nguy cơ mắc bệnh viêm phổi xâm lấn, đặc biệt là các trường hợp sử dụng opioid tác dụng kéo dài và hiệu lực cao.

Nghiên cứu phân tích mối liên quan giữa việc kê đơn thuốc opioid cho các bệnh nhân ở Tennessee với các trường hợp được xác định bị viêm phổi xâm lấn (IPD – invasive pneumococcal disease). Nhóm bệnh gồm 1233 bệnh nhân từ 5 tuổi trở lên bị IPD và 24.399 bệnh nhân nhóm chứng. Ở nhóm bệnh nhân bị IPD tỷ lệ sử dụng opioid cao hơn so với bệnh nhân ở nhóm chứng (aOR, 1.62; 95% CI, 1.36-1.92). sự liên quan này còn mạnh mẽ hơn nếu sử dụng opioids kéo dài (aOR; 1,87, 95% CI; 1,24 – 2,82), hiệu lực cao (aOR; 1,72, 95% CI, 1,32 – 2,25) và liều cao (aOR, 1,71-1,75, tùy thuộc vào khoảng liều).

Một hạn chế của nghiên cứu là nó không đánh giá chính xác được việc sử dụng opioid thực tế của bệnh nhân mà chỉ dựa vào đơn thuốc. Bệnh nhân bị IPD được chủng ngừa bằng văcxin polysaccharide phế cầu khuẩn cao hơn so với nhóm chứng, điều này có thể thấy nguy cơ của opioid thực sự cao hơn.

Một nghiên cứu khác đăng ngày 20 tháng 3 năm 2017 cho kết quả rằng các bệnh nhân được kê toa fentanyl, morphin hoặc codein trong vòng 100 ngày trước khi nhập viện có nguy cơ cao bị viêm phổi khi nhập viện. Opioids là nhóm chất đã được chứng minh có tác dụng ức chế hô hấp nhưng các nhà nghiên cứu suy đoán mối quan hệ có lẽ do sự ức chế miễn dịch chứ không phải do suy hô hấp.

Nghiên cứu này của Andrea Rubinstein, Permanente Medical Group, Santa Rosa, California và được báo cáo tại hội nghị thường niên của Armerican Academy of Pain Medicine – AAPM năm 2017.

Nghiên cứu khảo sát tỷ lệ viêm phổi mắc phải bệnh viện (hospital-acquired pneumonia – HAP) được thực hiện trên 40.403 trường hợp bệnh nhân từ 18 đến 70 tuổi nhập viện vào hệ thống y tế Kaiser Permanente trong thời gian khoảng 4 năm (hệ thống Kaiser bao gồm 19 bệnh viện ở bắc California, tại thời điểm nghiên cứu đã có 3,9 triệu bệnh nhân). Các nhà nghiên cứu đã xem xét việc sử dụng các loại opioid trong 100 ngày (ít nhất là 60 ngày) trước khi nhập viện. Họ nhóm bệnh nhân vào 3 nhóm: nhóm không sử dụng opioids; nhóm fentanyl, codein, morphin và nhóm sử dụng các opioid khác (bao gồm hydrocodon, oxycodon hoặc hydromorphon). Họ cũng xem xét các trường hợp được kê toa một loại opioid trong 2 ngày đầu tiên ở trong bệnh viện, những bệnh nhân không có chỉ định opioid ngoại trú nhưng được chỉ định fentanyl hoặc morphin vào ngày thứ nhất hoặc ngày thứ 2 nhập viện được đưa vào nhóm fentanyl, codein, morphin.

HAP thường xuất hiện sau ngày thứ 3 nằm viện, nếu chẩn đoán bệnh sớm hơn thường là viêm phổi trong cộng đồng. Điều trị HAP rất tốn kém, gây tăng chi phí nhập viện và tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt ở những người có nguy cơ cao (người suy giảm miễn dịch hoặc những người sức đề kháng kém).

Kết quả nghiện cứu cho thấy trong số hơn 40.000 bệnh nhân, có 242 ca HAP (0,60%), và tỷ lệ khác nhau tùy thuộc loại thuốc opioid được kê toa. Trong số 20.399 bệnh nhân được kê đơn fentanyl, codein hoặc morphin, tỷ lệ này là 0,79%, nhưng đối với 20.004 người không được kê đơn fentanyl, codein hoặc morphin, tỷ lệ này là 0,39%.

Nguyên nhân bị HAP có phải do tác dụng ức chế hô hấp của các opioid hay không, nhóm nghiên cứu đã tiến hành xem xét các bệnh nhân bị viêm phổi sau khi đặt nội khí quản (những người này không bị ức chế hô hấp vì đang thở máy). Kết quả cũng tương tự, ở những bệnh nhân sử dụng fentanyl, codein hoặc morphin có nguy cơ bị viêm phổi cao hơn.

Để chứng minh thêm rằng nguyên nhân do ức chế miễn dịch, các nhà nghiên cứu đã khảo sát một nhiễm trùng hoàn toàn khác (nhiễm trùng do Clostridium difficile). Trong số những người nhập viện, có 2.936 bệnh nhân đã dùng kháng sinh từ 10 ngày trở lên trước khi nhập viện. Trong nhóm này, có 16 trường hợp nhiễm C. difficile với tỷ lệ là 0,54%. Các nhà nghiên cứu nhận thấy tỷ lệ những bệnh nhân đã sử dụng opioids trong 100 ngày trước khi nhập viện gần gấp bốn lần (1,04%) so với những người không có tiếp xúc opioid kéo dài trong thời gian này (0,27%).

Việc kê đơn opioid phải thận trọng và theo dõi chặt chẽ tất cả các bệnh nhân, đặc biệt là những người có nguy cơ cao bị nhiễm trùng, những người sức đề kháng kém. Trước khi kê toa opioid, bác sĩ lâm sàng cần cân nhắc lựa chọn các phương pháp giảm đau khác.

Nguồn

  1. https://www.medscape.com/viewarticle/892586
  2. https://www.medscape.com/viewarticle/877433

 

Mọi ý kiến thắc mắc và đóng góp xin gởi về: Đơn vị thông tin thuốc – BV Phổi (khoa Dược)

Đánh giá:

 

                   

4.1/5 (12 bình chọn)

 

Đang xử lý...